Để giữ gìn thương hiệu rượu cần của mình, đồng bào Vân Kiều đã phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, cách ngâm ủ rượu. Bởi vậy, chỉ những người thực sự kiên trì, chăm chỉ và có tâm huyết mới chế biến được rượu cần. Rượu cần có hương vị thơm dịu, cay nồng, không đậm như rượu đế nhưng rất hấp dẫn người uống. Để có được hũ rượu cần thơm, những người làm rượu rất quan tâm đến những bộ phận cấu thành như nguyên liệu làm rượu, men rượu, cần uống và ché rượu. Chế biến rượu cần phải trải qua nhiều công đoạn, từ việc phải lặn lội vào rừng sâu, len lỏi qua từng con khe, con suối để hái các loại lá và rể cây làm men, tìm và chặt cành trúc làm cần khi uống đến việc chọn thứ gạo nếp đầu mùa thơm dẽo ngâm ủ, rồi việc chưng cất pha chế… và chờ đợi ché rượu ngon tinh khiết để dâng lên thần linh rồi cùng nhau thưởng thức. Thế nên, mỗi ché rượu cần là sự kết tinh quá trình lao động vất vả của người Vân Kiều. Già làng Hồ Văn Số 70 tuổi thôn Đồng Dôn xã Linh Thượng cho biết hàng năm ông đều chuẩn bị cho mình vài ba ché rượu cần. Rượu ông làm rất được bà con dân bản ưa thích vì ông rất kỹ càng trong từng công đoạn chế biến. Ông cho rằng mỗi vùng miền đều có những bí quyết khác nhau để ủ rượu cần. Có thể nói rằng từ cách làm men, ủ rượu đến cách thưởng thức rượu đều mang những mang nét văn hóa độc đáo và đặc sắc.
+ Cần uống rượu: Cần uống rượu được chọn từ những thân trúc nhỏ có mắt thưa cách đều nhau dài độ chừng 0,8m – 1m. Thân trúc được hơ qua lửa cho mềm dẽo, dùng một thanh sắt nhọn xoi thông ruột rồi uốn cho cong. Phần dưới cùng của thân trúc nơi tiếp giáp với rượu được xoi thông 3 lổ nhỏ trên thân để khi hút rượu được lưu thông một cách dễ dàng. Các cần trúc được cắm một đầu sâu xuống đáy ché xuyên qua lớp gạo nếp còn đầu kia thì đưa vào miệng để hút. Lưu ý mắt cuối cùng của thân trúc không được giữ nguyên với mục đích không cho trấu lọt vào gây tắc cần rượu trong khi uống. Theo già làng Hồ Văn Số thì 1 ché rượu cần chỉ sử dụng 4 hoặc 2 cần trúc (số chẵn). Khi uống lần lượt 2 hoặc 4 người cùng uống một lần chứ không được để dư cần trúc nào trong ché. Ché có 4 cần trúc thì dùng trong các dịp hội lớn của làng, còn ché có 2 cần trúc thì dùng cho các gia đình riêng lẽ. Đó là quy định bắt buộc được lưu truyền từ đời này sang đời khác, nhắc nhở các thế hệ sau không được quên. Được làm từ thiên nhiên nên rượu cần có vị ngọt, thơm, càng uống càng ngon. Khi vít cần rượu, người ta chỉ có cảm giác thoảng qua hương nồng của men. Bởi vậy, khi tham gia lễ hội người ta có thể quây quần bên ánh lửa, bên ché rượu cần cứ thế uống rượu thông qua cần trúc và vui chơi, nhảy múa trò chuyện đến thâu đêm.
Như vậy, rượu cần là một sản phẩm được chế biến khá công phu bằng cách ngâm ủ và là một thứ đồ uống rất được đồng bào ưa chuộng. Đây không phải là một đồ uống thông thường mà là một đặc sản không thể thiếu để dâng lên thần thánh trong những dịp lễ hội như lễ mừng lúa mới, lễ đâm trâu, lễ cúng Yàng, trong cưới xin, tang ma, trong sum họp gia đình, khi có khách đến bản…
Rượu cần từ lâu đã đi vào đời sống sinh hoạt của người Vân Kiều như một nét văn hóa đặc sắc. Ché rượu mang hương vị rất riêng của núi rừng đã trở thành một nét độc đáo và thu hút được sự quan tâm của khá nhiều du khách khi đến nơi đây. Tuy nhiên, do tác động của nhiều yếu tố bên ngoài, nhất là sự tác động về văn hóa, kinh tế đã làm biến đổi trên mọi phương diện đời sống xã hội của đồng bào. Trên thị trường xuất hiện tràn lan các loại rượu. Rượu nội, rượu ngoại được đóng chai với nhiều giá cả, hình thức lại đẹp mắt, tiện lợi khi sử dụng. Bên cạnh đó, người biết chế biến rượu cần ngày càng ít, vì vậy rượu cần truyền thống của người Bru – Vân Kiều đang đứng trước nguy cơ bị mai một.
Bảo tồn, gìn giữ văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số là một nhiệm vụ mang tính chiến lược, một mục tiêu mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương V khóa VIII đã khẳng định:“…xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”. Thực hiện mục tiêu đó, được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, đặc biệt là sự quan tâm của ngành văn hóa, trong những năm qua các lễ hội văn hóa truyền thống đã được cộng đồng các tộc gười tổ chức theo đúng phong tục tập quán, bản sắc văn hóa truyền thống. Vì vậy, tục uống rượu cần truyền thống cũng đã và đang được khôi phục và duy trì trong các dịp tổ chức sinh hoạt cộng đồng của người Bru – Vân Kiều. Một số nghệ nhân tại các thôn Ka Lu (xã Đakrông), Phú An (xã Hướng Hiệp), Tà Rụt 1 (xã Tà Rụt)… đã tổ chức hướng dẫn chế biến rượu cần cho con em trong thôn bản. Nhiều người đã làm tốt các công đoạn: trộn men, nấu nếp, ủ rượu. Thế nên, những bếp lửa trong hoạt động chế biến rượu cần đã và đang tỏa khói ngày càng nhiều ở các bản làng của người Bru – Vân Kiều tỉnh Quảng Trị. Ngày nay, rượu cần không chỉ để dùng trong các dịp sinh hoạt cộng đồng mà đang trở thành món ẩm thực và là món quà quý “níu chân” thực khách khi đến nơi đây.
Có thể nói, tục uống rượu cần đã trở thành một nét văn hoá có sức sống lâu bền trong đời sống của đồng bào, là hình thức biểu lộ tình cảm và mang ý nghĩa truyền thống, đồng thời là sợi dây liên kết cộng đồng của người Bru – Vân Kiều. Giữa đại ngàn Trường sơn hùng vĩ, trong tiếng chiêng, tiếng trống rộn ràng, trong không khí vui tươi của mùa lễ hội, ngất ngây với men rượu cần, con người càng trở nên gần gũi, gắn bó với nhau hơn. Nếu ai có hiềm khích chuyện cũ, trong các dịp này cũng bỏ qua. Nếu ai có lỗi lầm gì thì luật tục “phạt rượu” cũng là cớ để cùng hòa giải, để xóa đi cái mặc cảm mà hòa nhập trong sự cảm thông của cộng đồng. Trong các dịp vui mừng của lễ cưới hỏi, lễ mừng lúa mới, lễ đâm trâu hay sum họp gia đình hoặc buồn thương trong các lễ tục đám chay, người uống rượu cần còn tùy thuộc vào hình thức nghi lễ mà có cách mời chào, cách thưởng thức rượu khác nhau cho phù hợp hoàn cảnh. Qua đây chúng ta còn thấy được sự phong phú, đa dạng, giàu bản sắc dân tộc trong phong tục tập quán và ẩm thực của đồng bào dân tộc thiểu số miền Tây Quảng trị. Đây là nét đẹp truyền thống cần được gìn giữ và phát huy./.